Ngày 24-10-2022, UBND tỉnh quyết định công nhận các Hợp tác xã (HTX) điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2022 (huyện Châu Thành và Thạnh Phú mỗi huyện 1 HTX, Ba Tri 3 HTX); trong đó có HTX Nông nghiệp Phú Ngãi, ở xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri. Năm 2016, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi thành lập với 22 thành viên, góp vốn trung bình từ 300 - 500 ngàn đồng/thành viên.
Ông Mai Văn Kháng đóng gói gạo ST25 giao cho khách.
Kết quả ban đầu
Từ 22 thành viên khi mới thành lập, đến nay, HTX Nông nghiệp Phú Ngãi phát triển lên 100 thành viên là nhà nông cư ngụ ở trong và ngoài xã (An Bình Tây, An Đức, An Hiệp, An Phú Trung, Bảo Thuận, Mỹ Nhơn, Mỹ Hòa, Phú Lễ, Tân Xuân, Tân Hưng, thị trấn Ba Tri, TP. Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh). Vốn điều lệ 500 triệu đồng. Thành viên góp ít nhất 1 triệu đồng. HTX liên kết ban ngành và đoàn thể có liên quan cùng nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật canh tác rau màu (5ha) và trồng lúa sạch (35ha) cho thành viên cũng như 157ha của nông dân địa phương tham gia mô hình.
HTX liên kết hợp tác sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm lúa sạch, với diện tích 40ha (đất của HTX 5ha và 35ha đất hộ dân). Canh tác 2 vụ/năm, 5ha trồng lúa sạch của HTX có chi phí đầu tư là 263,6 triệu đồng và thu nhập (lúa giống, lúa thương phẩm và phụ phẩm rơm) được 470 triệu đồng, lợi nhuận 207 triệu đồng. Dịch vụ mô hình lúa sạch của hộ dân (35ha), cứ 1kg lúa thương phẩm thì HTX hưởng chênh lệch 500 đồng, tương đương HTX được nhận 122,5 triệu đồng.
Trong 3,5ha trồng rau màu các loại của hộ dân địa phương, với chi phí đầu tư canh tác 120,5 triệu đồng và thu nhập được 409,5 triệu đồng, lợi nhuận ước tính 289,45 triệu đồng, HTX được chia 30% lợi nhuận là 86,835 triệu đồng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Phú Ngãi Mai Văn Kháng cho biết: “Khi mới đảm nhiệm công việc ở HTX, tôi phải tìm kiếm doanh nghiệp tạo kết nối tiêu thụ sản phẩm với đầu ra ổn định thông qua mối quan hệ cùng sự hiểu biết của bản thân. Kết nối mọi ngõ ngách và kêu gọi sự ủng hộ của ban, ngành, đoàn thể để giúp HTX đẩy nhanh tiến trình phát triển. Chính quyền cũng như lãnh đạo ban, ngành và đoàn thể các cấp luôn hết lòng hỗ trợ khi HTX cần sự giúp đỡ hay tiếp sức vượt qua khó khăn. Làm hết mình và dồn hết sức lực của bản thân tạo tin tưởng từ thành viên”.
Hợp tác xã kiểu mới
“Bản thân tôi là thành viên của HTX và góp vốn được 10 triệu đồng, có 8ha trồng lúa với giống ST25. HTX hỗ trợ 50% chi phí phân, thuốc cho thành viên xuyên suốt mùa vụ canh tác lúa. Đến kỳ thu hoạch, HTX kết nối doanh nghiệp thu mua giá cao hơn thương lái. Hàng năm, HTX phân chia lợi nhuận cho thành viên theo tỷ lệ góp vốn”, ông Hồ Văn Trường, 49 tuổi, ấp Phú Thuận bộc bạch.
Năm 2019, HTX phối hợp kinh phí của doanh nghiệp tiêu thụ lúa sạch mua 1 máy gieo mạ, 2 máy cấy mạ lớn và 1 máy cấy mạ nhỏ AP4 cùng 1 kobe múc đất. HTX chỉ lấy tiền dầu mà không tính tiền công múc đất nhằm hỗ trợ thành viên. Mỗi đợt cấy mạ có trên 10 lao động cùng làm việc, tiền công có thể ứng trước khi cần thiết hay lãnh khi hoàn tất. Cấy mạ cho thành viên, HTX lấy tiền công 300 ngàn đồng/công và người dân ngoài HTX thì 550 ngàn đồng/công. Khi bỏ chi phí về giống, vận hành máy móc và thuê nhân công thì HTX lãi từ 150 - 200 ngàn đồng/công.
HTX xuất bán gạo ST25 được khách hàng ưa chuộng với khoảng 30 - 40 tấn/năm, 20 ngàn đồng/kg, trọng lượng 5kg/túi. Hiện tại, HTX sử dụng bao bì gạo sạch của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hoàng Long (doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch của HTX) có gắn logo của HTX do HTX chưa đủ điều kiện sản xuất mẫu mã bao bì riêng biệt.
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phùng Anh Thục Đoan cho biết: “Hơn 3 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX, ông Mai Văn Kháng từng bước đưa HTX phát triển, tạo dựng niềm tin của thành viên khi tham gia vào kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Nguồn: Báo Đồng Khởi